Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu chi tiết về loại hình gia công xuất nhập khẩu: khái niệm, hình thức, chính sách thuế và quyền nghĩa vụ các bên trong hợp đồng gia công.

Định nghĩa loại hình gia công xuất nhập khẩu

Gia công thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận gia công sử  dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao.

Gia công xuất khẩu là các hoạt động sản xuất, chế biến, lắp ráp, đóng gói… nhằm chuyển hóa nguyên liệu, phụ liệu, bán thành phẩm theo yêu cầu của bên gia công. Trong đó,

  • Bên gia công là doanh nghiệp Việt Nam
  • Bên đặt gia công là pháp nhân hoặc thể nhân nước ngoài (bao gồm cả doanh nghiệp trong khu chế xuất)

Phân loại các hình thức gia công 

Hiện nay, có các hình thức gia công như sau:

  • Gia công cho thương nhân nước ngoài, hay còn gọi lạ gia công xuôi
  • Đặt gia công cho thương nhân nước ngoài, hay còn gọi lạ gia công ngược (bao gồm cả DN nội địa đặt DN chế xuất gia công.
  • Thuê gia công lại: Đem NVL của HĐGC đang thực hiện thuê đối tác khác GC 1 phần hoặc toàn bộ SP
  • Gia công chuyển tiếp: SP GC của HDDGC này được sử dụng làm NVL GC cho HĐGC khác ở VN
  • Gia công ngoài (thường áp dụng cho DN SXXK, KD)

Hình thức gia công cho thương nhân nước ngoài

Hàng hóa gia công

  • Nguyên liệu, phụ liệu gia công
  • Sản phẩm gia công (bán thành phẩm hoặc thành phẩm)
  • Phế liệu, phế phẩm gia công
  • Máy móc, thiết bị phục vụ cho hoạt động gia công
  • v.v…

Đặc điểm cần lưu ý

  • Nguyên liệu và sản phẩm gia công đều thuộc quyền sở hữu của bên đặt gia công (thương nhân nước ngoài)
  • 2 bên ràng buộc trên cơ sở hợp đồng cung ứng dịch vụ thương mại (hợp đồng gia công).
  • Hàng hóa gia công phải trải qua ít nhất 1 công đoạn trong quá trình sản xuất, có quy cách phẩm chất, có định mức NVL chính cấu thành nên sp gia công theo yêu cấu của bên đặt gia công và được quy định trong HĐGC.
  • Việc xuất trả hàng hóa GC hoàn toàn phụ thuộc vào sự chỉ định của bên đặt GC thông qua hợp dồng GC.
  • Hàng hóa nhập khẩu để gia công được miễn thuế NK và khi xuất trả sản phẩm GC cũng được miễn thuế XK

Trường hợp được phân loại là gia công cho thương nhân nước ngoài

  • Doanh nghiệp nội địa nhận gia công cho DN chế xuất, khu chế xuất, khu phi thuế quan
  • DN trong nước (bao gồm cả DN chế xuất, DN có vốn đầu tư nước ngoài) nhận gia công cho DN nước ngoài (không hiện diện tại Viêt Nam)

Quyền và Nghĩa vụ của bên đặt gia công

  • Giao một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu gia công theo đúng hợp đồng gia công hoặc giao tiền để mua vật liệu theo số lượng, chất lượng và mức giá thỏa thuận.
  • Nhận lại toàn bộ tài sản gia công, máy móc, thiết bị cho thuê hoặc cho mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, phế liệu sau khi thanh lý hợp đồng gia công, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
  • Cử người đại diện để kiểm tra, giám sát việc gia công tại nơi nhận gia công, cử chuyên gia để hướng dẫn kỹ thuật, sản xuất và kiểm tra chất lượng sản phẩm gia công theo thoả thuận trong hợp đồng gia công.
  • Chịu trách nhiệm về tính hợp pháp về quyền sở hữu trí tuệ của hang hoá gia công, nguyên liệu, vật liệu, máy móc, thiết bị dùng để gia công chuyển cho bên nhận gia công

Quyền và Nghĩa vụ của bên nhận gia công

  • Cung ứng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu để gia công theo thoả thuận với bên đặt gia công về số lượng, chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật và giá
  • Nhận thù lao gia công và các chi phí hợp lý khác.
  • Được xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa, phế phẩm, phế liệu theo uỷ quyền của bên đặt gia công.
  • Được miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu vật tư tạm nhập khẩu theo định mức để thực hiện hợp đồng gia công theo quy định của pháp luật về thuế.
  • Chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hoạt động gia công hàng hoá trong trường hợp hàng hoá gia công thuộc diện cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.

Chính sách thuế

Các trường hợp được miễn thuế

  • Nguyên liệu, bán thành phẩm, vật tư (bao gồm cả vật tư làm bao bì hoặc bao bì để đóng gói sản phẩm xuất khẩu), linh kiện nhập khẩu trực tiếp cấu thành sản phẩm xuất khẩu hoặc tham gia trực tiếp vào quá trình gia công hàng hóa xuất khẩu nhưng không trực tiếp chuyển hóa thành hàng hóa, bao gồm cả trường hợp bên nhận gia công tự nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện hợp đồng gia công.
  • Hàng hóa nhập khẩu không sử dụng để mua bán, trao đổi hoặc tiêu dùng mà chỉ dùng làm hàng mẫu.
  • Máy móc, thiết bị nhập khẩu được thỏa thuận trong hợp đồng gia công để thực hiện gia công;
  • Sản phẩm hoàn chỉnh nhập khẩu để gắn vào sản phẩm gia công hoặc đóng chung với sản phẩm gia công thành mặt hàng đồng bộ và xuất khẩu ra nước ngoài được thể hiện trong hợp đồng gia công hoặc phụ lục hợp đồng gia công và được quản lý như nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công.
  • Linh kiện, phụ tùng nhập khẩu để bảo hành cho sản phẩm gia công xuất khẩu được thể hiện trong hợp đồng gia công hoặc phụ lục hợp đồng gia công và được quản lý như nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công.
  • Hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản phẩm gia công, phế liệu, phế phẩm tạo thành trong quá trình gia công được phép tiêu hủy và thực tế đã tiêu hủy theo quy định của pháp luật hải quan được miễn thuế nhập khẩu.

sở hàng hóa được miễn thuế

  • Người nộp thuế hoặc doanh nghiệp nhận gia công lại cho người nộp thuế có cơ sở gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu trên lãnh thổ Việt Nam và thực hiện thông báo cơ sở gia công, sản xuất theo quy định của pháp luật về hải quan và thông báo hợp đồng gia công cho cơ quan hải quan.
  • Doanh nghiệp có hợp đồng gia công theo quy định của Điều 39 Nghị định 69/2018/NĐ-CP. Người nộp thuế kê khai trên tờ khai hải quan các thông tin về số, ngày hợp đồng gia công, tên đối tác thuê gia công.
  • Người nộp thuế (có hợp đồng gia công) chịu trách nhiệm thực hiện quyết toán tình hình sử dụng hàng hóa nhập khẩu được miễn thuế theo quy định của pháp luật Hải quan (Báo cáo quyêt toán theo định kỳ hằng năm).

Xuất nhập khẩu tại chỗ

  • Lượng hàng hóa thực tế được sử dụng để gia công sản phẩm xuất khẩu tại chỗ được miễn thuế nhập khẩu nếu người xuất khẩu tại chỗ thông báo cho cơ quan Hải quan thông tin về tờ khai của sản phẩm NK tại chỗ tương ứng đã hoàn thành thủ tục NK trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông quan sản phẩm XK tại chỗ theo Mẫu quy định.
  • Quá thời hạn nêu trên, nếu người xuất khẩu tại chỗ không thông báo cho cơ quan Hải quan thì phải đăng ký tk mới, kê khai, nộp thuế đối với lượng hàng hóa NK đã sử dụng để gia công sản phẩm XK tại chỗ. (Mở TK theo loại hình A42, chuyển mục đích sử dụng)
  • Trường hợp sản phẩm gia công XK tại chỗ được sản xuất từ nguyên liệu, vật tư trong nước có thuế XK
  • thì khi XK tại chỗ phải nộp thuế đối với phần trị giá nguyên liệu, vật tư trong nước cấu thành trong sản phẩm XK theo thuế suất của nguyên liệu, vật tư theo quy định.
  • Sản phẩm XK tại chỗ không được miễn thuế XK. Người XK tại chỗ đăng ký tờ khai hải quan XK tại chỗ và kê khai nộp thuế XK theo mức thuế suất và trị giá của sản phẩm XK tại chỗ theo quy định tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan XK tại chỗ theo quy định.
  • Sản phẩm NK tại chỗ theo loại hình gia công thì được miễn thuế NK.
  • Trường hợp người nhập khẩu tại chỗ đã nộp thuế NK cho sản phẩm NK tại chỗ và đưa vào hàng hóa xuất khẩu và thực tế đã xuất khẩu SP ra nước ngoài hoặc vào khu phi thuế quan thì được hoàn thuế nhập khẩu đã nộp theo quy định. (TK nhập theo loại hình KD đưa vào sản xuất TP gia công).

Các mã loại hình xuất nhập khẩu liên quan đến gia công xuất nhập khẩu

Nhập khẩu

  • E21: Nhập nguyên liệu, vật tư để gia công cho thương nhân nước ngoài
  • G13: Tạm nhập miễn thuế (gia công)
  • E23: Nhập NL, vật tư gia công từ hợp đồng này sang hợp đồng GC khác.
  • A31: Tạm nhập tái chế / nhập SP gia công bị trả lại

Xuất khẩu

  • E52: xuất khẩu SP ra nước ngoài
  • E54: xuất nvl từ hợp đồng gia công này sang hợp đồng gia công khác.
  • E56: Xuất sản phẩm gia công giao hàng tại nội địa (xnk tc theo chỉ định giao hàng)]
  • B13: Xuất khẩu hàng đã nhập khẩu
  • G23: tái xuất hàng tạm nhập miễn thuế
  • A42: Chuyển tiêu thụ nội địa khác

Hợp đồng Gia công

Theo quy định tại Thông tư 39, doanh nghiệp Gia công có trách nhiệm khai báo Hợp đồng gia công, danh mục nguyên liệu – vật tư, thành phẩm và định mức thực tế sản phẩm lên cơ quan Hải quan. (Mẫu số 18- PL TT39)

Hợp đồng gia công phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của Luật thương mại và phải tối thiểu bao gồm các điều khoản:

1- Tên, địa chỉ của các bên ký hợp đồng và bên gia công trực tiếp;

2- Tên, số lượng sản phẩm gia công;

3- Giá gia công

4- Thời hạn thanh toán và phương thức thanh toán

5-  Danh mục, số lượng, trị giá nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu và nguyên liệu, phụ liệu, vật tư sản xuất trong nước (nếu có) để gia công; định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư; định mức vật tư tiêu hao và tỷ lệ hao hụt nguyên liệu trong gia công.

6- Danh mục và trị giá máy móc, thiết bị cho thuê, cho mượn hoặc tặng cho để phục vụ gia công (nếu có).

7- Biện pháp xử lý phế liệu, phế thải, phế phẩm và nguyên tắc xử lý máy móc, thiết bị thuê, mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa sau khi kết thúc hợp đồng gia công;

8- Địa điểm và thời gian giao hàng;

9- Nhãn hiệu hàng hóa và tên gọi xuất xứ hàng hóa;

10- Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.

Khi có thay đổi hoặc thêm điều khoản mới mà trong HĐGC chưa quy định thì lập phụ lục HĐGC (thông báo phụ kiện mới trên hệ thống khai báo HQ).

Thanh lý Hợp đồng gia công

  • Khi kết thúc hợp đồng gia công hoặc hợp đồng gia công hết hiệu lực, các bên ký kết hợp đồng gia công phải thanh lý hợp đồng và thông báo với cơ quan Hải quan.
  • Căn cứ để thanh lý hợp đồng gia công hàng hóa giữa thương nhân Việt Nam với thương nhân nước ngoài là lượng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu, lượng sản phẩm xuất khẩu theo định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, định mức tiêu hao vật tư và tỷ lệ hao hụt đã được thỏa thuận tại hợp đồng gia công.
  • Máy móc, thiết bị thuê, mượn theo hợp đồng; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa, phế phẩm, phế liệu, phế thải được xử lý theo thỏa thuận của hợp đồng gia công nhưng phải phù hợp với luật pháp Việt Nam và phải thông báo với cơ quan Hải quan chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày hợp đồng gia công kết thúc hoặc hết hiệu lực thực hiện.
  • Các phương án xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm; máy móc, thiết bị tạm xuất phục vụ gia công như sau:

a) Bán tại thị trường Việt Nam;
b) Xuất khẩu trả ra nước ngoài;
c) Chuyển sang thực hiện hợp đồng gia công khác tại Việt Nam;
d) Biếu, tặng tại Việt Nam;
e) Tiêu hủy tại Việt Nam

Bình luận
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *