Ngành logistics là gì mà được đồn thôi là một ngành HOT? Trên thực tế, không thể phủ nhận sự phát triển mạnh mẽ của ngành logistics đã mở ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn như hiện nay, khiến cho nhiều người quan tâm. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ngành logistics là gì? Tại sao Nếu bạn cũng đang có cùng thắc mắc như vậy thì hãy theo dõi ngay bài viết sau để tìm ra câu trả lời chi tiết nhé.
1. Ngành Logistics là gì?
Ngành logistics là ngành đặc biệt quan trọng trong kinh tế, lĩnh vực này bao gồm các công việc từ quản lý, điều phối và vận hành các hoạt động có liên quan trực tiếp đến khâu vận chuyển, phân phối hàng hóa từ điểm xuất phát đến điểm đích. Trong bối cảnh toàn cầu hóa thương mại mạnh mẽ như hiện nay, ngành logistics ngày càng trở nên trọng yếu và được chú trọng đầu tư phát triển ở mọi quốc gia.
Bên cạnh hoạt động chính là giao nhận và vận tải, ngành logistics còn bao gồm rất nhiều các hoạt động phụ trợ khác như: lưu trữ, bao bì, đóng gói hàng hóa, xử lý hàng hư hỏng, hàng tồn kho,… Khi làm tốt hoạt động logistics thì doanh nghiệp sẽ tối ưu được chi phí, nhờ đó có thể giảm giá thành sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và mang về lợi nhuận tối đa.
2. Ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng sẽ học những kiến thức gì?
Đầu tiên, bạn cần phải phân biệt được khái niệm logistics và quản lý chuỗi cung ứng một cách rõ ràng. Logistics chỉ tập trung vào các hoạt động vận chuyển và một số hoạt động phụ trợ, còn quản lý chuỗi cung ứng (Supply chain management) bao gồm một chuỗi hoạt động bắt đầu từ việc khảo sát nhu cầu thị trường cho đến giai đoạn bán hàng. Có thể hiểu đơn giản rằng Logistics là một mắt xích trong Chuỗi cung ứng.
Vậy ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng học những gì? Mặc dù chương trình giảng dạy của các trường là khác nhau, tuy nhiên về cơ bản thì những nội dung cốt lõi sẽ không có quá nhiều sự khác biệt. Một số kiến thức chuyên ngành trong logistics và quản lý chuỗi cung ứng cần được học bao gồm:
Các vấn đề trong hoạt động kinh tế đối ngoại: Bảo hiểm, Luật
Thanh toán trong ngoại thương
Quản trị chuỗi cung ứng
Quản lý kho bãi
Bên cạnh những nội dung trên thì ngoại ngữ là yếu tố quan trọng nhất định phải có để có thể làm trong ngành logistics, đặc biệt là tiếng Anh. Bởi đặc thù của ngành logistics là làm việc trong môi trường quốc tế nên sẽ thường xuyên tiếp xúc, giao tiếp với người nước ngoài.
3. Tại sao nên theo học ngành Logistics tại Việt Nam?
Sau khi đã hiểu rõ về ngành logistics là gì cũng như các kiến thức sẽ được học trong ngành, tuy nhiên bạn vẫn còn đang phân vân không biết có nên học ngành logistics hay không thì dưới đây là những lý do cho thấy ngành logistics hấp dẫn và có triển vọng như thế nào.
Mức thu nhập cao: Thu nhập của ngành logistics dành cho sinh viên mới ra trường cao hơn nhiều ngành khác. Đặc biệt nếu bạn giỏi ngoại ngữ, nắm vững chuyên môn hoặc có một vài kỹ năng phù hợp khác thì mức lương thưởng của bạn sẽ rất cao.
Nhiều cơ hội việc làm: Ngành logistics tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, do đó nhu cầu về nguồn nhân lực trong ngành logistics cũng mở rộng, tạo nhiều cơ hội về việc làm hấp dẫn cho thị trường lao động cũng như cho sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm.
Được làm việc trong môi trường quốc tế: Khi làm việc trong các doanh nghiệp logistics, bạn sẽ được trau dồi các kỹ năng và kinh nghiệm về kinh doanh trong môi trường quốc tế thông qua các mối quan hệ với khách hàng, đối tác nước ngoài. Từ đó rèn luyện được bản lĩnh và có nhiều cơ hội để phát triển bản thân hơn nữa.
“Vậy con gái có nên theo học ngành logistics?” Câu trả lời là “Có”. Ngành logistics hoàn toàn không phân biệt giới tính, đặc biệt con gái sẽ có những ưu điểm riêng phù hợp với một số vị trí trong ngành logistics hơn cả con trai. Điển hình là trong một số tin tuyển dụng ngành logistics có ghi chú ưu tiên tuyển nhân viên nữ. Tuy nhiên trong bất cứ công việc nào cũng sẽ có áp lực và khó khăn nhất định, ai cũng cần phải cố gắng để có thể hoàn thành tốt công việc.
4. Những tố chất mà một người làm ngành logistics nên có
Dưới đây là những kỹ năng/tố chất mà một người làm ngành logistics nên có
Kỹ năng quan sát: Những hoạt động trong ngành logistics có liên quan trực tiếp với nhau, do đó để làm tốt công việc trong ngành thì cần phải có cái nhìn khách quan, xem xét dựa trên tổng thể quy trình, dự đoán những rủi ro có khả năng xảy ra và lập kế hoạch dự phòng để đảm bảo mọi hoạt động diễn ra suôn sẻ, đặc biệt là ở các cấp quản lý.
Kỹ năng quản lý thời gian: Đây là kỹ năng rất quan trọng trong ngành logistics, bởi nếu quản lý thời gian không hiệu quả sẽ dẫn đến có những chứng từ hoặc lô hàng chuyển giao chậm hơn thời hạn cho phép, từ đó gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng từ các khoản phí cho đến thủ tục, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp, khách hàng cũng như các hãng vận tải.
Kỹ năng giao tiếp:Giao tiếp là kỹ năng cần có ở hầu hết tất cả các ngành, và ngành logistics cũng không ngoại lệ. Đa phần các vị trí công việc trong ngành logistics đều phải làm việc với khách hàng và đối tác, do đó nếu sở hữu các kỹ năng giao tiếp tốt thì bạn có thể dễ dàng có được thiện cảm và sự đánh giá cao từ khách hàng, đối tác cũng như mang về những lợi ích lớn cho công ty của mình.
Kỹ năng xử lý vấn đề: Các hoạt động trong lĩnh vực logistics thường phát sinh nhiều vấn đề cũng như sự cố, do đó người làm trong ngành cần phải bình tĩnh và sáng suốt, đưa ra những phương án xử lý tối ưu và hiệu quả nhất cho tất cả các bên liên quan.
5. Một số trường đại học/cao đẳng đào tạo ngành logistics tốt nhất
Ngành logistics tại Việt Nam đang trên đà phát triển nên có rất nhiều trường đại học và cao đẳng khắp cả nước đào tạo chuyên ngành này. Nếu bạn đang phân không biết ngành logistics học trường nào sẽ chất lượng nhất thì hãy tham khảo ngay một số trường “top” về ngành logistics dưới đây.
Các trường đào tạo ngành logistics khu vực Hà Nội
Đại học Ngoại Thương Hà Nội
Đại Học Hàng Hải Việt Nam
Đại học Thương Mại
Đại học Kinh tế Quốc Dân
Đại học Giao thông Vận tải (CS phía Bắc)
Đại Học Bách Khoa Hà Nội
Học viện Tài chính
Các trường đào tạo ngành logistics khu vực TP.HCM
Đại học Kinh tế TP.HCM
Đại Học Ngoại Thương cơ sở TP.HCM
Đại học Quốc Tế – ĐH Quốc gia TP.HCM
Đại học Tài chính – Marketing
Đại Học Quốc Tế RMIT Việt Nam
Đại học Giao thông Vận tải (CS phía Nam)
Đại Học Bách Khoa – Đại Học Quốc Gia TPHCM
Đại học Kinh tế Luật – ĐH Quốc Gia TP.HCM
Đại Học Tôn Đức Thắng
ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM
Các trường đào tạo ngành logistics khu vực Đà Nẵng
6. Logistics lương bao nhiêu? Những vị trí việc làm trong ngành logistics
Logistics là ngành “hot” ở thời điểm hiện tại với mức thu nhập rất hấp dẫn. Cụ thể, mức lương ngành logistics dao động từ 5 – 8.000.000 đồng/tháng cho người mới, còn nhân viên sẽ có mức lương từ 7 – 12.000.000 đồng/tháng. Các vị trí quản lý có mức lương khoảng 15 – 23.000.000 đồng/tháng, thậm chí có thể nhiều hơn nếu là người có năng lực.
Dưới đây là 10 vị trí việc làm trong ngành logistics phổ biến nhất hiện nay:
Sales logistics: Tìm kiếm khách hàng, giới thiệu và mời chào khách hàng sử dụng dịch vụ của công ty.
Nhân viên chăm sóc khách hàng logistics: Cung cấp tài liệu cần thiết và thông tin hành trình của lô hàng đến khách hàng, xử lý nhanh chóng và hiệu quả các yêu cầu từ khách hàng, duy trì mối quan hệ dài lâu với khách hàng.
Nhân viên vận hành kho: Nhận đơn đặt hàng, sắp xếp vận chuyển và giao hàng sao cho đúng thời gian với mức chi phí tối ưu nhất. Quản lý xếp dỡ hàng hóa, kiểm tra số lượng và chất lượng hàng hóa. Giải quyết kịp thời các sự cố phát sinh tại kho.
Nhân viên cảng: Kiểm tra các công cụ và trang thiết bị, đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành ở cảng. Quản lý công nhân cùng tàu thuyền, phương tiện bốc dỡ một cách hợp lý, xử lý các sự cố liên quan.
Nhân viên chứng từ: Chuẩn bị bộ chứng từ khai hải quan, xử lý các chứng từ xuất nhập khẩu như hóa đơn, hợp đồng, vận đơn,… Làm thủ tục thông quan lô hàng và lưu trữ lại các chứng từ.
Nhân viên Pricing: Phân tích sự biến động giá cả trên thị trường, lập báo cáo và đề xuất phương án phát triển kinh doanh. Trao đổi với hãng tàu, hãng hàng không, co-loader,… để cập nhật bảng giá dịch vụ. Báo giá dịch vụ và giải đáp thắc mắc liên quan.
Nhân viên giao nhận: Tiếp nhận và xử lý thông tin lô hàng. Tư vấn giải pháp vận chuyển hàng hóa tối ưu nhất cho khách hàng. Lấy D/O và giấy ủy quyền từ đại lý/hãng vận tải, theo dõi quá trình giao hàng.
Nhân viên hải quan: Kiểm tra giấy phép xuất nhập khẩu đảm bảo hợp lệ và đúng quy định pháp luật. Thực hiện khai báo hải quan cho lô hàng cụ thể, hướng dẫn nhân viên hiện trường làm các thủ tục cần thiết.
Nhân viên hiện trường: Giám sát quá trình xếp dỡ, đóng hàng. Tiếp nhận và giao đầy đủ chứng từ đúng thời hạn. Báo cáo chi tiết công việc cho người quản lý (trưởng nhóm, giám đốc,…)
Chuyên viên thanh toán quốc tế: Thực hiện các công việc liên quan đến thanh toán quốc tế như: phát hành L/C, chuyển tiền,… Hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ và giải đáp thắc mắc, xử lý khiếu nại liên quan của khách hàng.
Nhìn chung, ngành logistics rất có tiềm năng phát triển trong tương lai và là một ngành rất thú vị với mức thu nhập hấp dẫn. Hy vọng những thông tin được chia sẻ trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về ngành Logistics tại Việt Nam.